Lên sàn UpCom từ ngày 28-10, cổ phiếu BHN của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã tăng trần liên tiếp 8 phiên với mức gần 300%, từ 39.000 đồng lên 144.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 8-11.
Nhiều cổ phiếu “ăn theo”
Theo ông Đỗ Xuân Hạ, Chủ tịch HĐQT Habeco, việc BHN giao dịch trên UPCoM sẽ làm sinh động thêm thị trường chứng khoán cả nước, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư vào Habeco và các công ty con, công ty liên kết.
Thực vậy, nhờ sức nóng của BHN mà các cổ phiếu liên quan đến ngành bia, nước giải khát khác trên sàn vốn khá èo uột trước đây bỗng tăng mạnh mẽ. Cổ phiếu BSP của Công ty CP Bia Sài Gòn - Phú Thọ đã có nhiều ngày tăng giá kể từ 28-10 đến nay và hiện đã chạm mức 48.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu BHP của Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Phòng cũng đã “đu” theo BHN tăng 8 phiên liên tục, từ 13.000 đồng lên 34.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 9-11. Điều đáng nói là dù đã lên sàn khá lâu nhưng trước đây, cổ phiếu BHP hoàn toàn ở trong tình trạng không có giao dịch cho đến khi BHN lên sàn và “ăn theo”. Hay cổ phiếu HAD của Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Dương cũng đã tăng hơn 23% giá trị từ cuối tháng 10 lên 53.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 10-11.
Việc Habeco và Sabeco lên sàn tạo động lực rất lớn cho cổ phiếu ngành bia bứt phá cũng như giúp quá trình thoái vốn nhà nước được thuận lợi Ảnh: Tấn Thạnh
Chuyên gia tài chính, chứng khoán Phan Dũng Khánh cho rằng cổ phiếu ngành bia hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian gần đây cũng dễ hiểu bởi tiềm năng mang lại lợi nhuận của các công ty bia rất cao. Người Việt Nam được đánh giá là uống bia hàng đầu thế giới, lợi nhuận công ty bia ở Việt Nam lúc nào cũng cao ngất ngưởng, bất kể kinh tế khủng hoảng hay không. Chưa kể, bia dở hay ngon cũng có phân khúc khách hàng riêng. Habeco đã tăng giá gấp 3 lần từ khi lên sàn 3 tuần cho thấy sự hấp dẫn của ngành này.
Trông đợi lớn vào Sabeco
Ngoài ra, thị trường cũng đang “nóng” từ ngày chờ cổ phiếu của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) dự kiến lên sàn HoSE vào tháng 12 tới. Nhân viên môi giới của một công ty chứng khoán cho biết nhiều nhà đầu tư đã tìm hiểu và có ý định thu gom cổ phiếu này trước khi niêm yết nhưng hầu như lượng bán ra rất khan hiếm. Với thị phần bia chiếm đến 40% trên thị trường hiện nay, giá giao dịch của cổ phiếu Sabeco trên thị trường OTC đã vượt mức 100.000 đồng/cổ phiếu.
Một số nhà đầu tư cho rằng BHN đã chạm mức 144.000 đồng/cổ phiếu thì chắc chắn giá Sabeco khi niêm yết sẽ còn nóng hơn vì Sabeco được đánh giá là “con gà đẻ trứng vàng” chỉ sau Vinamilk. Chưa kể, thông tin nhà nước sẽ thoái vốn mạnh tại Sabeco trong thời gian tới khiến cho nhà đầu tư trong và ngoài nước đều hào hứng. Rất nhiều tổ chức nước ngoài như Asahi Group Holdings và Kirin Holdings (Nhật Bản), Anheuser-Busch InBev (Bỉ), Boon Rawd Brewery (Thái Lan)… đang nhắm đến việc sở hữu cổ phần tại Sabeco một khi nhà nước tiến hành thoái vốn.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính Doanh nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng nói về kết quả kinh doanh thì Sabeco không thua kém Vinamilk. Đây là một công ty nhà nước mà nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, trông đợi được sở hữu, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Nếu cổ phiếu Vinamilk giá xoay quanh vùng 140.000 đồng/cổ phiếu thì Sabeco khi niêm yết cũng có thể lên đến mức đó bất kể giá tham chiếu khi lên sàn là bao nhiêu.
Tăng giá mạnh vì nguồn cung khan hiếm
TS Lê Đạt Chí nhận xét hầu hết các công ty nhà nước sau khi cổ phần hóa thường có cơ cấu cổ đông khá “chặt”, nghĩa là lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài ít. Cổ đông nắm giữ chủ yếu do các nhà đầu tư tổ chức và cán bộ, công nhân viên nắm giữ nên họ không muốn bán ra, đó cũng là một trong những lý do khiến giá cổ phiếu dễ tăng cao hơn so với những công ty có tỉ lệ sở hữu cá nhân bên ngoài nhiều để họ “lướt sóng”. Điển hình tại Habeco, hiện nhà nước nắm đến hơn 82% cổ phần, cá nhân nắm chỉ 0,6%. Vì vậy, nếu nhà đầu tư muốn mua thì chỉ còn cách “rượt đuổi” theo thị trường
Theo Sơn Nhung / Người Lao Động