VĂN HOÁ UỐNG BIA
Ở nhiều nơi trên thế giới, nghệ thuật uống bia đã được tôn vinh thành một văn hóa. Và “văn hóa bia” ấy đòi hỏi người uống càng phải chú ý đến trách nhiệm để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Ít người biềt rằng một loại thức uống rất đỗi quen thuộc như bia lại chứa đựng trong nó nhiều câu chuyện thú vị, đến nỗi ở nhiều nơi, người ta có hẳn một “văn hóa bia”.
Khi nói đến “văn hóa bia”, Séc chính là nước đầu tiên mà chúng ta nhắc đến. Séc tự hào có những thành phố cổ kính và đồ thuỷ tinh pha lê, thì bia cũng là quốc hồn quốc tuý của người dân Tiệp Khắc cũ. Hầu như trên các con phố ở thành thị hay nông thôn, đều có các quán bia. Hoặc nếu muốn uống bia tận nhà máy thì cũng có những quán là hầm bia để mọi người đến thưởng thức tận mắt. Dân Séc thích uống bia ngoài quán hơn ở nhà, bởi đó là nơi họ giao lưu gặp gỡ, trò chuyện với nhiều đề tài từ húc côn cầu, chính trị đến âm nhạc, phụ nữ... Phải nói là dân Séc rất tự hào về dân tộc họ, họ làm ra sản phẩm gì thì chỉ dùng sản phẩm đó thôi, rất hiếm khi dùng cùng sản phẩm đó do nước ngoài làm. Như bia vậy, Heineken của Hà Lan nổi tiếng thế mà có rất ít ở các siêu thị chứ đừng nói là có quán bia Heineken.
Văn hóa bia tại Cộng Hòa Séc
Ra quán, mọi người được thưởng thức bia tươi. Bia tươi được rót vào những chiếc vại thuỷ tinh nửa lít. Người ta vẫn thường nói, bia Tiệp hai cốc đầu để giải khát, sang cốc thứ ba thì ngọt lịm và chỉ muốn uống nữa. Dân Séc uống bia quanh năm, vì thế các nhà máy bia của Séc luôn luôn hoạt động hết công suất. Cứ sau một trận đấu hockey, football mà Tiệp thắng thì chắc chắn từ mọi ngả đường thành phố và thị trấn, mọi người túa ra với rừng cờ hoa phấp phới, và sau đó là những câu chuyện bên bàn bia. Bia luôn là lựa chọn đầu tiên khi vào quán.
Người Séc biết uống bia từ thời thượng cổ và tự hào vì có điều kiện nông nghiệp lý tưởng để trồng hoa bia. Nếu các bạn đi ra khỏi Praha, theo các con đường đến các thành phố khác, hai bên đường người ta thường trồng hoa bia, lúa mỳ, ngô, hướng dương, cải... Vào mùa, những cánh đồng đó rất đẹp, hoa nở thơm ngát, rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời. Sử sách có ghi chép lại việc trồng cấy tại vùng Bohemia vào khoảng năm 849 sau Công nguyên, còn xuất khẩu bia vào khoảng năm 903. Hiện nay, có nhà máy bia U Fleku tại Praha bắt đầu hoạt động từ năm 1499, đến giờ vẫn đang hoạt động mạnh.
Bia Tiệp Khắc cũ có khoảng 200 loại vị khác nhau (kể cả Séc và Slovakia), với khoảng 80 nhà máy bia trải khắp đất nước. Bia được làm chủ yếu từ nguyên liệu Malt (một loại lúa mạch), qua quy trình nấu riêng không sục CO2 vào mà sinh ra hoàn toàn tự nhiên. Bia vàng (svelte) có hai loại 10o và 12o, vị đắng đậm hơn; bia sậm (tmave) hoặc bia đen (cerne) thì chỉ có 10o nhưng vị ngọt nhẹ hơn; ngoài ra còn có bia kiêng (dia) dành cho người chăm chút thể hình thì có cả loại vàng lẫn đen, ít đường và ít cồn. Nhiệt độ uống bia tốt nhất là từ 7o đến 10o, nên uống một chai (một cốc) mỗi ngày.
Có thể kể ra các loại nhãn bia nổi tiếng của Séc theo thứ tự ngon nhất: Plzensky Prazdroj (Pilsner Urquell), Gambrinus, Radegast, Velkopopovicky kozel (có biểu tượng con dê), Budvar (Budweiser), Staropramen cùng một số loại bia của các nhà máy địa phương nhỏ hơn. Dân chúng ở các vùng đó cũng chỉ uống bia do vùng mình nấu, dù không có hương vị đặc trưng, nhưng đối với họ đó vẫn là bia tốt nhất.
Thỉnh thoảng có người quen hay các đoàn văn nghệ sang Séc chơi và biểu diễn, điều đầu tiên trong ngày đầu tiên họ yêu cầu thường là dẫn họ đi thưởng thức bia. Bia Séc quá nổi tiếng, ai ai cũng biết đến, dù có người chưa từng một lần ngồi ở một quán bia nào đó ở Séc để cảm nhận thứ hương vị bia đậm đà đó.
Nói đến “văn hóa bia”, không thể không nhắc đến nước Đức. Bia được công nhận là thức uống phổ biến nhất, là quốc hồn, quốc túy của Đức với hàng ngàn chủng loại phong phú. Trung bình hàng năm một người Đức uống gần 130 lít bia, thậm chí ở Bavaria, con số này lên đến 180 lít và có cả một lễ hội bia lớn nhất thế giới mang tên Oktoberfest. Đa số dân Đức thích uống bia Pilsner có màu sáng, nồng độ cao với hương vị đậm đà của hoa bia và tùy khẩu vị mỗi người có thể chọn từng loại khác nhau. Người Đức thường tụ họp đến quán bia vào cuối tuần để vừa nhâm nhi bia vừa đứng quanh bàn tròn “buôn chuyện” với bạn bè. Một trong những đặc trưng góp phần tạo nên “văn hóa bia” tại Đức là người ta có thể uống đến say và sau đó vẫy taxi về nhà chứ hiếm khi lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo.
Lễ hội bia Oktoberfest
Trái với dân Đức, người dân Anh lại ưa chuộng dòng bia ale có nồng độ thấp và ít hoa bia với cách phục vụ khá độc đáo. Loại bia này được phục vụ từ các “vòi ni-tơ” sử dụng hỗn hợp ni-tơ/cacbon điô-xít thay vì cacbon điô-xít thông thường nhằm thu được cảm giác kem ở miệng khi thưởng thức. Bia được rót thong thả theo hai công đoạn với một khoảng lặng ở giữa để bia lắng xuống. Đặc biệt hơn cả là các loại bia ale thực (real ale) vốn không được lọc và khử trùng theo phương pháp Pasteur và chỉ được phục vụ bằng các máy bán bia. Thông thường thời gian trữ loại bia này khá ngắn (chỉ từ 3-5 ngày) nhưng bù lại, quá trình lên men “sống” khiến mỗi ngày bia lại có một hương vị khác biệt mà bất cứ người sành bia nào cũng cảm nhận được.
Tại Việt Nam, mẻ bia và chai bia đầu tiên do người Việt Nam sản xuất được “ra lò” vào năm 1958. Nhưng mãi đến năm 1992, nhãn hiệu lon bia đầu tiên sản xuất tại thị trường nội địa mới ra đời bởi Bia Saigon. Nhãn bia lon đầu tiên này mang con số rất dễ nhớ - 333. Bia lon có lợi thế là dễ vận chuyển, thuận tiện và thẩm mỹ hơn khi làm quà tặng, đặc biệt vỏ lon tạo cho người thưởng thức cảm giác mát lạnh ngay từ khâu “khui bia”. Tiếp theo, đó là dòng các sản phẩm mới bia lon Saigon Special và bia chai 333 Premium. Bia lon Special được đóng chai dung tích 330 ml màu xanh hình dáng rất bắt mắt. Còn bia chai 333 Premium thì kiểu dáng chai thon nhưng mạnh mẽ, vừa tay, thiết kế hiện đại rất thuận tiện cho việc uống bia từ chai. Tại các bàn nhậu của người Việt kiểu gì cũng phải có bia. Sau tuần bia đầu tiên là đủ chuyện trên trời dưới đất được dân nhậu đem ra bàn tán, bình luận rôm rả: Không chuyện công ty thì chuyện thành phố, không chuyện thành phố thì chuyện quốc gia, hết chuyện quốc gia thì lân la quốc tế. Ai cũng tỏ ra sành sỏi, thạo tin.
Khoảng 10 năm trở lại đây, bia tươi Đức đã xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam, người dân Việt đã có cơ hội được thưởng thức bia tươi Đức chất lượng hảo hạng ngay tại chính đất nước mình. Công nghệ sản xuất bia tươi Đức được mang về Việt Nam bằng rất nhiều con đường khác nhau. Một số doanh nhân trong quá trình tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Cộng Hòa Séc đã đem dây chuyền và công nghệ bia tươi về Việt Nam, bước đầu đã thành công và tạo dựng được những thương hiệu nhà hàng bia tươi nổi tiếng ở trong nước tiêu biểu như nhà hàng Hoa Viên, nhà hàng Legend beer, chuỗi nhà hàng bia tươi GoldMalt và một số thương hiệu khác nữa. Từ chỗ nhập khẩu dây chuyền sản xuất bia tươi, bằng niềm đam mê công nghệ và lòng tự hào dân tộc, dây chuyền nấu bia mini đã lần đầu tiên được nghiên cứu và chế tạo thành công bởi Công ty CP Bia New Đồng Nai với những cải tiến kỹ thuật và mức giá cạnh tranh hơn rất nhiều so với dây chuyền nhập khẩu. Trong tương lai không xa, bia tươi sẽ phổ biến khắp mọi nơi ở Việt Nam và có thể sẽ trở thành một niềm tự hào nữa của người Việt đối với tất cả các bạn bè trên thế giới.