Hương vị lạ
Bia thủ công xuất hiện đầu tiên tại châu Âu, rồi lan sang châu Mỹ và ngày nay đã trở nên khá phổ biến tại Nhật, Thái Lan và các nước châu Á lân cận. Bia thủ công không chỉ mang tới người uống hương vị lạ, độc đáo mà còn cả sự trải nghiệm mới, đó là lịch sử, kiến thức và văn hóa về bia.
Điểm độc đáo của loại bia này là có những vị khác nhau, các loại bia hương chưa bao giờ nghĩ đến như vối, cam thảo, táo mèo,... các loại vị chua, chát, đắng gắt,...
Giới thiệu các sản phẩm độc đáo về bia của mình, ông Nguyễn Văn Cường chia sẻ, ngoài nhập khẩu nguyên liệu chất lượng cao, ông còn sử dụng các nguyên liệu bản địa sạch, nấu ủ các loại bia sáng tạo và tinh tế chưa từng có trên thế giới, như bia hoa cau, bia nhân trần cam thảo, bia tía tô, hạt tiêu... mang đến khẩu vị thật sự khác biệt.
Nhiều loại bia có hương vị khác nhau đậm chất Việt Nam
“Việt Nam rất nhiều cây cỏ hương hoa, những loại này khí hậu ôn đới rất hiếm. Sả gừng ớt hồi quế, hương vị các cụ sử dụng bao đời nay. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng làm những loại bia hương vị độc đáo. Đó là sự trải nghiệm khác biệt”, ông Cường nói.
Tự hào làm ra bia thủ công được những người yêu bia đánh giá cao, theo ông Cường, nhiều bạn bè trong nước và quốc tế thích thú khi thưởng thức loại bia này. Thậm chí, có du khách nước ngoài sau khi uống còn đạp xe tới tận nhà máy ở Mê Linh để mua bia mang đi Sapa uống và mang về nước làm quà. So với bia truyền thống, bia thủ công có giá đắt hơn nhiều nhưng những người mê bia vẫn ưu chuộng.
“Mình mong muốn làm cái gì khác, độc đáo. Đầu tiên cùng với những người yêu bia tạo văn hóa mới tinh túy tâm hồn Việt, không chỉ uống bia “dô dô” cho say mà mình muốn có câu chuyện về bia, được trải nghiệm, nếm, nói về những người nấu bia, đặc biệt mỗi một người được thưởng thức, nói chuyện cùng nhau”, ông chia sẻ về tâm huyết của mình.
Hiện nay, các cơ sở bia Việt Nam đã sản xuất được hơn 40 loại bia khác nhau với thị trường chính ở Hà Nội và TP.HCM và cũng đã bước đầu xuất khẩu sang Lào.
Giấc mơ bia 'Hoa cỏ Việt Nam'
Nói về đam mê với bia thủ công, ông Cường chia sẻ: “Con thì đang đi du học nước ngoài cần tiền, mà tôi thì hưởng mức lương 6 con số tại tập đoàn lớn, được tặng cả cổ phiếu, lại được gặp cả 2 ông tỷ phú của tập đoàn nói chuyện rất vinh dự".
"Biết là nghỉ việc để mở nhà máy bia sẽ có nhiều rủi ro và thử thách. Nhưng khi tôi sang châu Âu, bia thủ công ở đây rất phát triển, thấy rằng tại sao mình không làm bia khác biệt? Mình chỉ còn 10 năm, thế là tôi bắt đầu làm bia”, ông chia sẻ thêm.
Bỏ lương trăm triệu về nấu bia
Mẻ bia đầu tiên ông tự nấu bằng nồi thủ công nhờ bạn chế tạo được 50 lít, ông cho vợ thử rồi chia sẻ cho bạn bè. Ông thử mang đi bán và bất ngờ tiêu thụ hết. Từ đó, ông nghĩ tới việc xây nhà máy, mở điểm bán và mở chuỗi và nhà máy to hơn.
Cơ duyên với ngành bia kể từ khi ông tốt nghiệp tại Liên Xô, về làm việc tại nhà máy bia liên doanh. Thời điểm đó, phần lớn các mẻ nấu được thực hiện bằng tay. Bê mạch nha, xay, phối trộn 20-30 tấn 1 ca 4 người, sau đó là lên men, lọc bia, kiểm tra chất lượng, phân tích lý hoá các loại bia.
Sau đó, ông được cử sang Đan Mạch để học khóa chuyên gia nấu ủ bia cấp cao trong sáu tháng. 18 năm tiếp theo, ông làm việc tại tập đoàn bia nước ngoài, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như giám đốc sản xuất, giám đốc kỹ thuật,... Khát vọng về sản xuất các loại bia được nâng lên, khi ông chuyển sang tập đoàn toàn cầu ABInBev.
Với kinh nghiệm trong ngành bia, cộng với cơ duyên trong chuyến đi sang Úc và 4 nước châu Âu, nhất là Brussels Belgium, đã khiến ông càng khao khát tự nấu được loại bia thủ công. Ông quyết định từ bỏ mức lương hàng chục nghìn đô và cuộc sống an nhàn để khởi nghiệp, xây dựng nhà máy bia thủ công cho riêng mình.
Nhìn lại chặng đường đã qua, dù khá vất vả và khó khăn, ông Cường vẫn đầy tham vọng: “Ước mơ năm nay, năm sau mở nhà máy tương tự ở phía Nam, làm cuộc sống tươi đẹp hơn nhiều hương vị hơn. Sắp tới, bia thủ công sẽ xuất khẩu sang cả Thái Lan và Myanmar”.
Duy Anh / Vietnamnet